Hệ giằng trong nhà công nghiệp

Hệ giằng trong nhà công nghiệp

Giằng trong nhà công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo độ ổn định cho toàn bộ hệ kết cấu của nhà công nghiệp. Các loại giằng như giằng mái, giằng cột,....

1. Vai trò:

  • Đảm bảo bất biến hình theo phương dọc nhà và tăng độ cứng không gian;
  • Truyền tải trọng theo phương dọc nhà;
  • Tăng ổn định hay giảm chiều dài tính toán ngoài mặt phẳng cho các cấu kiện chịu nén như thanh giàn, cột;
  • Tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho việc lắp dựng, thi công.

2. Hệ giằng mái: gồm 03 bộ phận chính:

  • Hệ giằng cánh trên;
  • Hệ giằng cánh dưới;
  • Hệ giằng đứng

Hệ giằng cánh trên:

Giằng cánh trên
 
  • Hệ giằng cánh trên gồm các thanh chéo chữ thập nằm và thanh chống dọc nằm trong mặt phẳng thanh cánh trên giàn.
  • Có tác dụng là giảm chiều dài tính toán cho thanh cánh trên của giàn.
  • Được bố trí theo phương ngang nhà tại hai đầu hồi, đầu khối nhiệt độ và tại giữa nhà, sao cho khoảng cách giữa chúng không quá 60m.

Hệ giằng cánh dưới:

Hệ giằng cánh dưới
  • Gồm các thanh chéo chữ thập nằm trong mặtphẳng cánh dưới của giàn theo phương dọc và ngang nhà;
  • Hệ giằng ngang cánh dưới: được bố trí tại những khoang có hệ giằng cánh trên, cùng với hệ giằng cánh trên tạo thành khối cứng ở hai đầu hồi và đầu khối nhiệt độ. Hệ giằng ngang nhà ở đầu hồi là gối tựa cho cột hồi, chịu tải trọng gió thổi lên tường đầu hồi nên còn gọi là hệ giằng gió.
  • Hệ giằng dọc cánh dưới: được bố trí tại các đầu cột dọc theo chiều dài nhà, tạo nên độ cứng dọc nhà, hệ giằng này có tác dụng truyền lực cục bộ (lực hãm của cầu trục) phân phối ra các khung lân cận.

Hệ giằng đứng:


Gồm các thanh chéo chữ thập nằm trong mặt phẳng các thanh đứng của giàn, theo phương dọc nhà được bố trí tại những vị trí có hệ giằng cánh trên và hệ giằng cánh dưới để tạo nên khối cứng bất biến hình.

Hệ giằng mái trong nhà công nghiệp với xà ngang đặc

 
  • Hệ giằng mái bao gồm các thanh giằng chữ thập và thanh chống dọc, theo yêu cầu cấu tạo độ mảnh của chúng có λmax≤[λ]=200;
  • Hệ giằng mái thường bố trí ở vị trí có giằng cột; 
  • Chiều dài của thanh thép tròn hoặc cáp không được vượt quá 15m, trong trường hợp không đảm bảo cần chia hệ giằng ra làm 2 hệ với thanh chống dọc ở giữa;
Trong trường hợp chịu tải trọng gió, cánh dưới của xà chịu nén nên phải gia cường bằng các thanh chống xiên. Tiết diện
thanh chống không nhỏ hơn L50×5.
 

3. Hệ giằng cột trong nhà công nghiệp

Vai trò

Khung được tính theo phương ngang nhà nên độ cứng theo phương dọc nhà rất nhỏ, có thể coi cột liên kết khớp với móng. Do vậy, để cả khối nhà đứng vững cần phải tạo một khối cứng để các cột khác tựa vào. Khối cứng gồm có hai cột, dầm cầu trục, hệ giằng cột. Ngoài ra, hệ giằng cột còn được tính toán chịu lực dọc nhà như lực do giàn gió, lực hãm của cầu trục, động đất. Các lực này truyền từ cột qua dầm cầu trục, đến hệ giằng và xuống móng.

Với nhà mái nặng

 
  • Hệ giằng cột trên được bố trí ở trục cột trên, theo phương dọc nhà được bố trí ở đầu hồi, đầu khối nhiệt độ và ở giữa nhà;
  • Hệ giằng cột dưới được bố trí ở hai nhánh cột, theo phương dọc nhà được đặt ở khoảng giữa của khối nhiệt độ để không cản trở biến dạng nhiệt độ của các kết cấu dọc, khoảng cách từ đầu hồi đến hệ giằng ≤75m, khoảng cách giữa hai hệ giằng trong một khối nhiệt độ ≤50m;
  • Hệ giằng cột có cấu tạo bởi hệ chéo chữ thập, góc nghiêng hợp lý của thanh giằng với phương ngang từ 350÷550, độ mảnh của thanh giằng λmax≤[λ]=200.

Với nhà mái nhẹ

 
  • Khi nhà công nghiệp không có cầu trục hoặc cầu trục nhẹ Q≤15T, có thể bố trí hệ giằng cột ở hai đầu hồi để truyền tải trọng gió đầu hồi xuống móng một cách nhanh chóng. Lý do là các thanh giằng tương đối mảnh nên không gây ứng suất nhiệt độ đáng kể;
  • Khi chiều dài nhà L≤100m, có thể cho phép bố trí giằng cột ở hai gian đầu hồi nhà.
 

Hệ giằng cánh dưới

  • Được tính toán như giàn tĩnh định hai cánh song song, hệ thanh bụng chữ thập có tiết diện bằng nhau. Các tải trọng tác dụng chính là phản lực gối tựa do tải trọng gió tác dụng lên hệ sườn tường đầu hồi và đặt vào các nút dàn;
  • Do tính chất của tải trọng đổi dấu (tải trọng gió), khi chọn tiết diện thanh giằng thường chọn theo tiết diện thanh chịu kéo, trong quá trình làm việc khi có lực nén xuất hiện, coi thanh chịu nén mất ổn định, lúc này chỉ có thanh kéo làm việc;
  • Hệ giằng dọc cánh dưới: được tính theo sơ đồ giàn liên tục trên gối tựa đàn hồi xác định theo chuyển vị ngang đỉnh khung.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây